Làng Nghề Mộc Truyền Thống Định Quán, huyện Thường Tín – Hà Nội

Làng Định Quán (xã Thượng Cung, tổng Thượng Phúc, phủ Thường Tín, tỉnh Hà Đông cũ), nay thuộc xã Tiền Phong (huyện Thường Tín, thành phố Hà Nội). Làng Định Quán có nghề mộc từ lâu đời, trước Cách mạng Tháng Tám, đời sống khó khăn, nhiều thợ tỏa đi khắp nơi để kiếm sống. Trong đó, có một tổ thợ xuôi về Nam Định, chuyên làm đồ thờ cúng như câu đối, hoành phi, cửa võng, cây nến, sập gụ, tủ chè… Sau một thời gian, việc hết, tổ thợ di chuyển lên Hà Nội và nhập vào Hợp tác xã chạm ngà 19-3 (thuộc Công ty Mỹ nghệ Hà Nội) và chuyển sang nghề chạm trổ ngà voi.
Năm 1963, theo chủ trương của Nhà nước, hợp tác xã giải tán, tổ thợ trở về quê hương, thành lập Hợp tác xã mộc Định Quán. Ban đầu, hợp tác xã có 17 xã viên, đến năm 1973 tăng lên 50 xã viên, chuyên sản xuất tượng gỗ. Năm 1989, Hợp tác xã mộc Định Quán giải tán, các xã viên tách ra sản xuất riêng và duy trì cho đến nay. Hiện, Định Quán có hàng trăm thợ tay nghề cao và hàng chục xưởng sản xuất lớn trong làng.
Nguyên liệu để sản xuất ở làng mộc Định Quán là gỗ hương, gỗ trắc đen được nhập khẩu. Để làm ra một sản phẩm, người thợ Định Quán phải trải qua các công đoạn sơ chế gỗ thô, chọn gỗ, nghiên cứu mẫu, tạo dáng, đục chi tiết, mài dũa, đánh vecni… Nắm bắt được xu hướng và nhu cầu của thị trường, người thợ Định Quán tập trung vào các sản phẩm điêu khắc tinh xảo, phục vụ trưng bày như tượng phong thủy, tượng Phúc – Lộc – Thọ, tượng tôn giáo (tượng Chúa, tượng Phật), tượng nhân vật trong các tích truyện (Quan Vũ, Khổng Minh)…

Các sản phẩm tại làng mỹ nghệ Định Quán 

Du khách đến Định Quán sẽ thấy không khí sản xuất sôi nổi suốt trục đường chính của làng, tiếng đục, tiếng máy liên hồi. Mỗi xưởng sản xuất rộng ít nhất 200m2, gồm khoảng 20 thợ. Mức thu nhập bình quân dao động từ 6 – 20 triệu đồng/ người. Hiện, Định Quán là một trong 8 làng nghề được thành phố Hà Nội hỗ trợ xây dựng thương hiệu.
Theo dõi
Thông báo
guest
0 Bình luận
Inline Feedbacks
Tất cả bình luận